Share
Trang chủ
Tin tức
Triển vọng kinh tế thế giới năm 2023
Triển vọng kinh tế thế giới năm 2023
11 tháng 9 2024・ 04:23
Trong năm 2022, thế giới đối mặt hàng loạt thách thức như lãi suất tăng cao, lạm phát ngoài tầm kiểm soát, các vấn đề về chuỗi cung ứng, khủng hoảng năng lượng, hay xung đột giữa Nga và Ukraine. Triển vọng của kinh tế toàn cầu năm 2023 vẫn không mấy lạc quan, khi nhiều vấn đề nhức nhối tiếp diễn, với lạm phát dù có dấu hiệu hạ nhiệt, lãi suất có thể vẫn tiếp tục tăng, trong khi tăng trưởng toàn cầu đang đi xuống.
Trong bản cập nhật hồi tháng 10/2022 về Triển vọng Kinh tế thế giới, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cảnh báo điều tồi tệ nhất vẫn chưa qua. Phần lớn các nhà kinh tế đều nhất trí rằng tăng trưởng kinh tế sẽ chậm lại ở hầu hết khu vực, với triển vọng tăng trưởng kinh tế toàn cầu dự kiến giảm từ mức 3,2% trong năm 2022 xuống 2,7% vào năm 2023.
Lý do đưa đến cảnh báo trên của IMF là hàng loạt đợt tăng lãi suất năm 2022 sẽ tác động nặng nề nhất đến các nền kinh tế vào năm 2023, khi tác động của chính sách tiền tệ sẽ có độ trễ 12-18 tháng.
Nhà kinh tế trưởng toàn cầu Seth Carpenter của Morgan Stanley cho rằng năm qua đã chứng kiến lãi suất tại Mỹ tăng nhanh nhất của kể từ năm 1981 còn tại Khu vực sử dụng đồng euro (Eurozone) tăng nhanh nhất kể từ khi đồng tiền chung này ra đời.
Sang năm 2023, nếu một cuộc suy thoái toàn cầu mới xuất hiện, lãi suất có thể sẽ ổn định hơn và thậm chí giảm xuống. Nhưng đó có thể sẽ chỉ là hiện tượng tạm thời. Nếu lạm phát trở nên nghiêm trọng hơn, thì việc các ngân hàng trung ương tiếp tục tăng lãi suất sẽ là điều không thể tránh khỏi.
Kinh tế Châu Âu u ám
Nhiều nền kinh tế châu Âu được dự báo sẽ suy thoái trong năm 2023, trong đó kinh tế Đức nhiều khả năng sẽ giảm 0,3% và Vương quốc Anh, quốc gia nằm ngoài Eurozone, chịu tác động nặng nhất với mức giảm 0,4% do lãi suất cao và tình trạng lạm phát.
Ông Mathias Cormann, Tổng Thư ký OECD, đánh giá lạm phát sẽ giảm xuống còn 6,6% năm 2023, khi các chính sách thắt chặt tiền tệ bắt đầu phát huy hiệu quả, làm giảm nhu cầu tiêu dùng.
Tuy nhiên, OECD khuyến nghị, dù đối mặt với nguy cơ suy thoái, việc chống lạm phát vẫn phải là ưu tiên hàng đầu và Ngân hàng Trung ương châu Âu nên tăng lãi suất lên 4% hoặc 4,25% vào giữa năm 2023, cao hơn nhiều so với con số mục tiêu 3% mà các tổ chức nghiên cứu đưa ra trước đó.
Trong khi đó, Morgan Stanley dự kiến nền kinh tế Eurozone sẽ giảm 0,2% vào năm 2023 do khủng hoảng năng lượng đang diễn ra và chính sách tiền tệ thắt chặt. Lạm phát vốn đã ở mức kỷ lục, ở mức 10,7% hàng năm vào tháng 10, dự kiến sẽ vẫn cao hơn nhiều so với mục tiêu trong thời gian còn lại của năm 2022 cũng như năm 2023.
Nhà kinh tế trưởng thị trường châu Âu của Morgan Stanley, Jens Eisenschmidt, nhận định, do lo ngại lạm phát, lãi suất tại châu Âu sẽ tăng lên 2,5% trong quý đầu tiên của năm 2023 trước khi bắt đầu giảm vào đầu năm 2024.
Trong khi đó, do lạm phát tăng lên 2 con số, dự kiến tăng trưởng kinh tế của Anh sẽ giảm còn 1,5% vào năm 2023, sau khi tăng 7,5% năm 2021 và ước tính 4,2% vào năm 2022. Đây là mức giảm tốc kinh tế lớn nhất trong các nền kinh tế lớn. Do đó, Ngân hàng trung ương Anh có khả năng sẽ kết thúc đợt tăng lãi suất ở mức 4% và tiếp bước Fed cắt giảm lãi suất vào đầu năm 2024.
Trung Quốc là tâm điểm của năm 2023
Với khả năng phục hồi và tiềm năng của nền kinh tế, các nhà phân tích tin rằng Trung Quốc sẽ tiếp tục là động lực quan trọng của tăng trưởng kinh tế toàn cầu vào năm 2023.
Ngày 7/12, Chính phủ Trung Quốc hầu như đã từ bỏ chính sách "Không COVID” mà nước này thực hiện kể từ khi đại dịch bắt đầu bùng phát. Việc Trung Quốc mở cửa trở lại có ý nghĩa then chốt đối với triển vọng kinh tế toàn cầu. Các chuyên gia cho rằng Trung Quốc cuối cùng sẽ mở cửa hoàn toàn vào đầu quý III/2023, tạo nền tảng cho sự phục hồi của tiêu dùng vào nửa cuối năm.
Một khi quá trình trên được hoàn tất, nền kinh tế Trung Quốc sẽ phục hồi và trở thành điểm sáng trong nền kinh tế toàn cầu, mặc dù điều này cũng có thể đẩy giá hàng hóa lên cao và làm tăng thêm áp lực lạm phát. Hầu hết các dự báo cho tăng trưởng kinh tế Trung Quốc năm 2023 trong khoảng 4-5%.
Các nhà phân tích tại công ty dịch vụ tài chính đa quốc gia Societe Generale nhận định Trung Quốc sẽ có ba đến bốn quý tăng trưởng mạnh, bắt đầu từ quý II hoặc quý III/2023, đồng thời dự báo nền kinh tế Trung Quốc có thể đạt mức tăng trưởng khoảng 5% vào năm 2023.
Trong một báo cáo gần đây, ngân hàng Morgan Stanley cũng nâng dự báo tăng trưởng GDP của Trung Quốc vào năm sau lên 5,4% so với mức dự báo trước đó là 5%. Morgan Stanley từng dự báo hoạt động kinh tế Trung Quốc sẽ thực sự phục hồi từ cuối quý II/2023, nhưng hiện nhận định nền kinh tế lớn thứ hai thế giới sẽ cải thiện từ đầu tháng 3/2023.
Nhờ kinh tế Trung Quốc có thể tăng tốc vào nửa sau năm 2023, châu Á được cho là sẽ ghi nhận mức tăng trưởng GDP 4,4% cho cả năm 2023, trong lúc nguy cơ suy thoái có thể xuất hiện ở phần lớn các khu vực.
Các hãng dược phẩm tăng giá ít nhất 350 loại thuốc tại Mỹ
Theo công ty nghiên cứu chăm sóc sức khỏe 3 Axis Advisors, các nhà sản xuất dược phẩm bao gồm Pfizer Inc, GlaxoSmithKline PLC, Bristol Myers Squibb, AstraZeneca PLC và Sanofi SA có kế hoạch tăng giá đối với hơn 350 loại thuốc độc quyền tại Mỹ vào đầu tháng Một.
Sự gia tăng trên diễn ra giữa bối cảnh ngành dược phẩm chuẩn bị cho Đạo luật Giảm Lạm phát (IRA) vốn cho phép chương trình y tế Medicare của chính phủ đàm phán giá trực tiếp đối với một số loại thuốc bắt đầu từ năm 2026. Bên cạnh đó, ngành này cũng đang phải đối mặt với lạm phát và sự thắt chặt trong chuỗi cung ứng khiến chi phí sản xuất cao hơn.
Tổ chức phi lợi nhuận về định giá thuốc 46brooklyn ước tính năm 2022, các hãng dược phẩm đã tăng giá hơn 1.400 loại thuốc, ghi nhận số lượng tăng nhiều nhất kể từ năm 2015. Mức tăng giá thuốc trong năm 2022 trung bình là 4,9%.
Các hãng dược phẩm phần lớn đã giữ mức tăng từ 10% trở xuống - một thông lệ trong ngành được nhiều nhà sản xuất lớn tuân thủ sau khi hứng chịu chỉ trích vì tăng giá quá nhiều vào giữa thập kỷ trước.
Antonio Ciaccia, Chủ tịch của 3 Axis, lưu ý các hãng dược phải cân nhắc kỹ lưỡng hơn trong việc điều chỉnh các mức giá ban đầu để họ không tự đặt mình vào tình thế không thể tiếp tục tăng giá nữa trong tương lai để có lãi.
Trong lịch sử, tháng Một là tháng mà các nhà sản xuất thuốc tăng giá thuốc nhiều nhất. Cho đến nay, Pfizer đã công bố số lượng tăng giá nhiều nhất, với 89 loại thuốc độc quyền và mức tăng bổ sung đối với 10 loại thuốc thuộc chi nhánh Hospira.
Tiếp theo là GSK, với kế hoạch tăng giá đối với 26 loại thuốc độc quyền, trong đó có mức tăng gần 7% đối với vaccine Shingrix phòng bệnh zona thần kinh.
Trong khi đó, Pfizer thông báo tăng 6% giá thuốc Xeljanz, điều trị các bệnh như viêm khớp và viêm loét đại tràng, và tăng 7,9% đối với thuốc điều trị ung thư Ibrance và Xalkori.
Sanofi cũng kế hoạch tăng giá đối với 14 loại thuốc và vaccine. Người phát ngôn của hãng dược này cho biết việc định giá năm 2023 của Sanofi nhất quán với cách tiếp cận định giá có trách nhiệm, tuân thủ chính sách của chính phủ và nhu cầu đáp ứng các xu hướng đang phát triển trên thị trường.
Giá trị tài sản của các quỹ đầu tư quốc gia giảm hơn 2.000 tỷ USD trong năm 2022
Sự sụt giảm nghiêm trọng của thị trường chứng khoán và trái phiếu trong năm 2022 đã lần đầu tiên làm giảm giá trị tài sản của các quỹ đầu tư quốc gia và quỹ hưu trí trên thế giới với mức giảm lên tới 2.200 tỷ USD.
Báo cáo của Global SWF cho thấy khối tài sản nằm dưới quyền quản lý của các quỹ đầu tư quốc gia đã giảm từ 11.500 tỷ USD xuống 10.600 tỷ USD, trong khi tài sản của các quỹ hưu trí công giảm từ 22.100 tỷ USD xuống 20.800 tỷ USD.
Tình trạng trên diễn ra giữa bối cảnh xung đột Nga-Ukraine thổi giá hàng hóa và đẩy tỷ lệ lạm phát vốn lên mức cao nhất trong 40 năm. Để ứng phó, Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) và các ngân hàng trung ương lớn khác đã tăng lãi suất và làm dấy lên tình trạng bán tháo trên thị trường toàn cầu.
Tuy nhiên, chuyên gia Diego López của Global SWF cho biết, những khoản lỗ trên chỉ nằm trên giấy tờ và một số quỹ sẽ không nhận ra sự thua lỗ với vai trò là nhà đầu tư dài hạn.
Báo cáo của Global SWF phân tích 455 quỹ đầu tư quốc gia với tổng tài sản trị giá 32.000 tỷ USD. Theo báo cáo, 2022 là năm khó khăn nhất đối với quỹ ATP của Đan Mạch khi khối tài sản của quỹ này giảm tới 45%, gây thua lỗ 34 tỷ USD cho những người hưu trí tại Đan Mạch.
Bất chấp mọi sóng gió, số tiền mà các quỹ chi ra để mua các công ty, bất động sản hoặc cơ sở hạ tầng vẫn tăng 12% so với năm 2021. Với 743 giao dịch, các quỹ đầu tư quốc gia đã chi kỷ lục 257,5 tỷ USD với một số giao dịch lớn có trị giá hơn 1 tỷ USD.
Quỹ GIC của Singapore đứng đầu bảng, khi chi hơn 39 tỷ USD cho 72 thương vụ, trong đó, một nửa được đổ vào bất động sản. Quỹ GIC đang quản lý khối tài sản trị giá 690 tỷ USD.
Báo cáo của Global SWF cho biết, nếu thị trường tài chính tiếp tục giảm trong năm 2023, có khả năng các quỹ đầu tư sẽ tiếp tục "săn voi" như một cách hiệu quả để đáp ứng nhu cầu phân bổ vốn. Điều này sẽ khiến các quỹ đầu tư từ vùng Vịnh như ADIA, Mubadala, ADQ, PIF, QIA trở nên tích cực hơn nhiều trong việc mua lại các công ty phương Tây ghi nhận doanh thu lớn từ dầu mỏ trong năm qua./.
Theo Vương Linh tổng hợp
Tin liên quan
Thị trường
18 tháng 3 2025
OECD Cắt Giảm Triển Vọng Kinh Tế Mỹ và Toàn Cầu Khi Thuế Quan Của Trump Gây Sức Ép Lên Tăng Trưởng
Thị trường
17 tháng 3 2025
17/03/2025 XAUUSD: Liên tục tăng giá!
Thị trường
17 tháng 3 2025
Phân tích biểu đồ: Dầu thô WTI (USOIL) đang kiểm tra vùng hỗ trợ quan trọng
Thị trường
17 tháng 3 2025
Thị trường châu Á - Thái Bình Dương tăng điểm sau khi Trung Quốc công bố kế hoạch thúc đẩy tiêu dùng
Thị trường
16 tháng 3 2025
VN-Index giữ sắc xanh mong manh, nhóm Vingroup nâng đỡ
Sàn giao dịch
15 tháng 3 2025
Xếp hạng những sàn giao dịch phổ biến tại Việt Nam
Sàn giao dịch
14 tháng 3 2025