logo
Share

Trang chủ

Tin tức

Liệu đã đến lúc mua bắt đáy cổ phiếu PayPal?

Liệu đã đến lúc mua bắt đáy cổ phiếu PayPal?

22 tháng 6 2023・ 08:22

Gã khổng lồ dịch vụ thanh toán này đang xử lý tổng giá trị giao dịch hơn 1 nghìn tỷ đô la mỗi năm, thế nhưng giới đầu tư dường như đang quên mất điều đó.

1.png.jpg

Ý CHÍNH

  • PayPal đã tạo ra tốc độ tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận ở mức hai con số kể từ năm 2015.
  • Apple Pay và Google Pay đang đánh cắp thị phần từ công ty.
  • Kỳ vọng của nhà đầu tư đang ở mức thấp chưa từng có.

Công ty tiên phong về dịch vụ thanh toán trực tuyến PayPal (PYPL) đã chứng kiến tốc độ tăng trưởng đáng kể trong thập kỷ qua, nhưng bạn sẽ không thể cảm nhận rõ điều đó nếu chỉ nhìn vào giá cổ phiếu. Các nhà đầu tư đã mua cổ phiếu này khi eBay (EBAY) tách khỏi PayPal vào năm 2015 đã thu về lợi nhuận 73%, thấp hơn đáng kể so với con số 143% nếu đầu tư vào quỹ Chỉ số S&P 500.

Tuy nhiên, mức tăng kém ấn tượng của cổ phiếu PayPal không phải là do kết quả kinh doanh mờ nhạt; cổ phiếu này đã chứng kiến ​​sự nén định giá đáng kể.

Hiện tại, PayPal giao dịch ở giá trị doanh nghiệp gấp 13 lần EBITDA (lợi nhuận trước lãi vay, thuế, khấu hao cố định và khấu hao vô hình), rẻ hơn nhiều so với bất kỳ thời điểm nào khác trong lịch sử lên sàn đại chúng của công ty và thấp hơn nhiều so với định giá trung bình trong nhiều năm.

1.png

PYPL EV/EBITDA của PYPL – Nguồn Ycharts.

Hãy cùng phân tích xem liệu định giá này có phải là cơ hội tốt để mua vào cổ phiếu PayPal hay không.

Hoạt động kinh doanh của PayPal

Trước khi đi sâu vào triển vọng đối với cổ phiếu này, chúng ta sẽ tìm hiểu PayPal thực sự đang kinh doanh điều gì. Dù công ty đã mua lại nhiều doanh nghiệp khác nhau liên quan đến dịch vụ thanh toán trong những năm gần đây, nhưng có ba phân khúc chính mang lại phần lớn doanh thu cho công ty.

Phân khúc quan trọng nhất là hệ thống thanh toán mang thương hiệu PayPal. Hiểu một cách đơn giản thì đây chính là tùy chọn phương thức thanh toán mà người dùng thường thấy trong quá trình giao dịch trực tuyến. Năm ngoái, hệ thống thanh toán này chiếm 30% tổng khối lượng thanh toán (TPV) của PayPal. Tuy nhiên, hệ thống này chiếm một phần lớn hơn nhiều trong lợi nhuận gộp của công ty, nhờ mức phí trên giao dịch cao hơn.

Phân khúc quan trọng thứ hai là cái mà công ty gọi là “hệ thống xử lý giao dịch không mang thương hiệu”. Phân khúc này được thúc đẩy chủ yếu bởi Braintree, công ty mà PayPal đã mua lại với giá 800 triệu USD vào năm 2013. Braintree, cạnh tranh với các công ty như Adyen (ADYE.Y) và Stripe, là một bộ xử lý thanh toán không mang thương hiệu PayPal mà người bán có thể dễ dàng tích hợp vào quy trình thanh toán trực tuyến của họ. Hệ thống này ghi nhận mức tăng trưởng doanh thu 40% mỗi năm trong ba năm qua và hiện xử lý tổng giá trị giao dịch hơn 400 tỷ đô la mỗi năm, tương đương 30% TPV của PayPal. Tuy nhiên, công ty thu phần trăm phí xử lý nhỏ hơn đối với các giao dịch này.

Cuối cùng, Venmo là một ứng dụng thanh toán ngang hàng mà PayPal cũng đã thu về khi mua lại Braintree vào năm 2013. Ví điện tử này hiện mới chỉ chiếm một tỷ lệ nhỏ hơn nhiều trong tổng doanh thu của PayPal, nhưng ghi nhận TPV tăng 55% hàng năm trong ba năm qua và có tiềm năng cung cấp nhiều tính năng mới cho khách hàng trong hệ sinh thái hấp dẫn của hãng.

Tổng cộng, ba phân khúc này đã giúp PayPal thúc đẩy tăng trưởng đáng kể kể từ năm 2015. Số tài khoản đang hoạt động đã tăng trưởng 14% hàng năm, trong khi doanh thu và dòng tiền tự do tăng lần lượt là 16% và 22%.

Vậy vấn đề nằm ở đâu?

Mặc dù tốc độ tăng trưởng xét theo các số liệu tài chính của PayPal rõ ràng là rất ấn tượng, nhưng tốc độ này đang bắt đầu nhanh chóng giảm tốc. Trong quý gần đây nhất, số tài khoản hoạt động của PayPal chỉ tăng 1% so với cùng kỳ năm trước và ban giám đốc dự kiến doanh thu quý II chỉ tăng từ 6,5% đến 7%, giảm mạnh so với mức tăng 16% hàng năm của công ty trong bảy năm qua.

Tăng trưởng chậm lại không phải là điều quá ngạc nhiên đối với một công ty lớn như PayPal, công ty hiện đã có hơn 430 triệu tài khoản hoạt động hàng năm, nhưng điều đáng lo ngại hơn là tình trạng giảm tốc này có thể là do thành công gần đây của Apple Pay từ Apple (AAPL) và Google Pay từ Alphabet (GOOG) (GOOGL).

Tháng 11 năm ngoái, Apple Pay được cho là đã tăng tỷ lệ sử dụng ở lên mức 52% so với cùng kỳ năm ngoái, cao hơn đáng kể so với bất kỳ thành quả nào mà PayPal đã đạt được trên khía cạnh người dùng. Lo ngại về cạnh tranh khắc nghiệt từ Apple và Google đã khiến nhiều nhà đầu tư xa lánh PayPal.

Vậy liệu đã đến lúc mua vào cổ phiếu PayPal?

Dù nhà đầu tư có lý do chính đáng để e ngại trước mối đe dọa từ các công ty công nghệ lớn, nhưng định giá hiện tại của PayPal không đòi hỏi công ty phải đạt được những kết quả kinh doanh quá xuất sắc để có thể mang lại lợi nhuận cho những ai đặt niềm tin vào đó. Công ty dự kiến sẽ tạo ra 5 tỷ đô la tiền mặt tự do (FCF) trong năm nay, với mức vốn hóa thị trường hiện tại là 71 tỷ đô la và nợ vay rất thấp. Trong thời điểm định giá P/FCF (vốn hóa thị trường trên FCF) chỉ là 14x, công ty rất quan tâm tới việc mua lại cổ phiếu và công khai tuyên bố sẽ chi 4 tỷ đô la cho chương trình mua lại chỉ riêng trong năm nay.

Với định giá đó, PayPal chỉ cần báo cáo một chút tăng trưởng cũng có thể đưa nhà đầu tư đi một chặng đường dài. Vì vậy, thật hợp lý khi cho rằng PayPal vẫn có thể phát triển bất chấp tình hình cạnh tranh, nhờ xu hướng tăng trưởng liên tục của thị trường thanh toán trực tuyến nói chung. Nếu bạn là nhà đầu tư dài hạn, đang tìm kiếm một công ty có hoạt động kinh doanh vững mạnh với dòng tiền ổn định, PayPal xứng đáng có một vị trí trong danh mục đầu tư của bạn.

Vân Anh - Theo fool.com

logo
Tất cả thông tin trên trang web của chúng tôi mang tính chất tham khảo tổng hợp, nhà đầu tư cần cân nhắc và tự chịu trách nhiệm về mọi hành vi đầu tư của mình. Info Finance không chịu trách nhiệm về bất kỳ hành động nào của nhà đầu tư.
Chúng tôi hân hạnh hợp tác cùng
Hình ảnhHình ảnhHình ảnh

Social Media:

icon
icon
icon
icon
icon

LIÊN HỆ VỚI CHÚNG TÔI

Hỗ trợ giải đáp/Tư vấn cho trader:

CS@infofx.vn

Hotline/Zalo/Telegram:

0904 096 829 / 093 1085 659