logo
Share

Trang chủ

Tin tức

Kinh tế thế giới ngày 28/12/2022

Kinh tế thế giới ngày 28/12/2022

26 tháng 8 2024・ 07:37

Ngày 28/12, Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản (METI) thông báo trong tháng 11/2022, sản lượng công nghiệp của nước này giảm 0,1% so với tháng trước đó, chủ yếu do nhu cầu trong và ngoài nước suy yếu. Đây là tháng thứ 3 liên tiếp chỉ số này giảm.

Nhật Bản: Sản lượng công nghiệp và thất nghiệp đều giảm

4.2.jpg

Trong báo cáo sơ bộ, METI cho biết chỉ số sản lượng đã được điều chỉnh theo mùa vụ tại các nhà máy và hầm mỏ trong tháng 11 là 95,2 so với mức cơ sở 100 vào năm 2015.
Ngoài nhu cầu máy móc ở châu Âu và Mỹ đang giảm, nhu cầu đối với thiết bị ở Trung Quốc cũng khá thấp trong bối cảnh nước láng giềng áp dụng các biện pháp quyết liệt nhằm khống chế đại dịch COVID-19. Trong số 15 ngành công nghiệp, có 8 ngành có sản lượng giảm và 7 ngành có sản lượng tăng. Đáng chú ý, sản lượng máy móc phục vụ cho các mục đích chung hoặc kinh doanh giảm tới 7,9% so với tháng trước đó và máy móc sản xuất cũng giảm 5,7%.
Tuy nhiên, METI kỳ vọng sản lượng công nghiệp của nước này có thể sẽ tăng 2,8% trong tháng 12/2022 và giảm 0,6% trong tháng 1/2023. Trước đó, chỉ số này cũng đã giảm 3,2% trong tháng 10/2022. Một quan chức của METI nói: “Cần nhận thức rủi ro suy giảm xuất phát từ việc tăng giá cùng với tình hình kinh tế ở trong và ngoài Nhật Bản”.
Trước đó, ngày 27/12, Bộ Nội vụ và Truyền thông Nhật Bản (MIC) cho biết, trong tháng 11, tỷ lệ thất nghiệp đã được theo mùa vụ ở nước này giảm 0,1 điểm phần trăm so với tháng trước đó xuống còn 2,5%. Đáng chú ý, số người thất nghiệp trong kỳ báo cáo giảm 50.000 (tương đương 2,8%) xuống còn 1,73 triệu người. Trong khi đó, theo Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi Nhật Bản (MHLW), tỷ lệ việc làm sẵn có trong tổng số người tìm việc trong tháng 11/2022 đứng ở mức 1,35, không thay đổi so với tháng trước đó.

Nga cấm xuất khẩu dầu cho các quốc gia áp mức giá trần

Tổng thống Nga Vladimir Putin ngày 27/12 đã ký sắc lệnh cấm cung cấp dầu mỏ và các sản phẩm liên quan cho những quốc gia áp giá trần đối với dầu mỏ của Nga.

Theo quy định trong sắc lệnh của Điện Kremlin, lệnh cấm có hiệu lực từ ngày 1/2/2023 và kéo dài 5 tháng cho đến ngày 1/7/2023. Đáng chú ý, hoạt động xuất khẩu dầu thô cho những quốc gia áp giá trần đối với dầu mỏ của Nga sẽ bắt đầu bị cấm từ ngày 1/2/2023, song thời điểm bắt đầu thi hành lệnh cấm đối với các sản phẩm từ dầu mỏ sẽ do Chính phủ Nga quyết định và có thể là sau ngày 1/2/2023. Sắc lệnh còn bao gồm một điều khoản cho phép Tổng thống Putin bãi bỏ lệnh cấm trong những trường hợp đặc biệt. 

Trả lời phỏng vấn báo chí, ông Siluanov cho biết trong trường hợp nêu trên, Nga có thể hạn chế sản xuất dầu mỏ và sẽ tập trung điều hướng hoạt động này sang các nước khác.

Trước đó, Phó Thủ tướng Nga Alexander Novak cũng đã đề cập tới thông tin Nga sẽ không bán dầu mỏ cho những quốc gia chọn biện pháp áp giá trần và có thể cắt giảm sản lượng dầu từ năm tới.

Bộ trưởng Siluanov cũng nhắc đến khả năng thâm hụt ngân sách năm 2023 của Nga có thể cao hơn mức dự kiến 2% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) do biện pháp áp giá trần ảnh hưởng đến nguồn thu, song Nga sẽ tìm cách phát triển các thị trường mới nhằm khôi phục hoạt động xuất khẩu dầu mỏ.

Những tín hiệu trái chiều của kinh tế Italy

Theo số liệu mới nhất của Cơ quan Thống kê Quốc gia Italy (ISTAT), trong tháng 12/2022, chỉ số niềm tin người tiêu dùng tại Italy đã tăng lên 102,5, từ mức 98,1 của tháng trước, trong đó chỉ số môi trường kinh tế được cải thiện đặc biệt rõ ràng và các thành phần niềm tin của người tiêu dùng khác có xu hướng tăng dần.

Thông cáo báo chí của ISTAT, được công bố ngày 26/12 cho thấy so với khảo sát trước, chỉ số môi trường kinh tế tăng từ 95,2 lên 106,3, chỉ số môi trường kinh tế tương lai tăng từ 102,8 lên 108,2, chỉ số hiện tại tăng từ 94,9 lên 98,6 và chỉ số cá nhân tăng từ 99,0 lên 101,2. Chỉ số môi trường niềm tin kinh doanh cũng tăng từ 106,5 lên 107,8.

Chỉ số niềm tin trong lĩnh vực sản xuất cho thấy một xu hướng tiêu cực khi giảm từ 102,5 xuống 101,4 do cả sự suy giảm cả số lượng đặt hàng (-9,5 sang -9,9), cũng như kỳ vọng về sản xuất tương lai (từ 6,1 đến 3,8) dẫn tới lượng hàng tồn kho đã tăng từ 4,4 lên 4,8.

Chỉ số niềm tin thương mại bán lẻ được cải thiện nhẹ từ 112,4 lên 112,6. Đặc biệt, những người được hỏi đưa ra đánh giá tích cực hơn về hoạt động kinh doanh hiện tại, trong khi kỳ vọng của họ về doanh số bán hàng trong tương lai lại giảm đi đáng kể (từ 23,3 xuống còn 18,3 và từ 27,6 xuống 24). Đối với hàng tồn kho, số dư tăng từ 0,9 lên 1,7.

Cũng theo dữ liệu sơ bộ của ISTAT, kim ngạch nhập khẩu của Italy từ các quốc gia không thuộc Liên minh châu Âu (EU) trong tháng 11/2022 đã tăng 26,8% so với cùng kỳ năm ngoái, trong khi kim ngạch xuất khẩu tăng 22,5%, với mức thặng dư đạt 2,011 tỷ euro.

Trong khi đó, kim ngạch xuất khẩu của Italy cùng tháng cũng tăng 8,3% so với tháng 10/2022, trong khi kim ngạch nhập khẩu giảm 3,4%. Trong khoảng thời gian từ tháng 9-11/2022, kim ngạch nhập khẩu của Italy tăng 2,6%, trong khi kim ngạch nhập khẩu giảm 4% so với 3 tháng trước đó.

Trong số các sản phẩm được sử dụng nhiều nhất để chuẩn bị cho các món ăn Giáng sinh, giá bơ tăng hàng năm là 41,2%, tiếp theo là bột mì (23,6%), trứng (21,7%), gạo (35,4%), mì ống (23,6%) và bánh mì (16%). Ngoài ra, giá một kg pho mát tăng hơn 20%, trong khi giá thịt gà tăng 18% so với năm ngoái.

Apple Japan bị truy thu gần 98 triệu USD tiền thuế 

Chi nhánh Nhật Bản của tập đoàn công nghệ Apple Inc (Apple Japan) đang bị Chính quyền Tokyo truy thu 13 tỷ yen (97,82 triệu USD) tiền thuế do bán số lượng lớn iPhoneS và các thiết bị khác của Apple cho khách du lịch nước ngoài được miễn thuế tiêu dùng không đúng cách.

Nhật báo Nikkei ngày 26/12 đưa tin, việc khách hàng nước ngoài mua số lượng lớn iPhone đã bị phát hiện tại một số cửa hàng Apple ở Nhật Bản với ít nhất một giao dịch liên quan đến một cá nhân mua hàng trăm thiết bị cầm tay trong một lần và cửa hàng đã bỏ sót việc đánh thuế ít nhất một trường hợp mua để bán lại.

Nhật Bản cho phép khách du lịch lưu trú dưới 6 tháng mua các mặt hàng mà không phải trả thuế tiêu thụ 10%, nhưng việc miễn thuế không áp dụng cho các giao dịch mua với mục đích bán lại.

Theo Nikkei, Apple Japan được cho là đã nộp tờ khai thuế sửa đổi. Công ty đã không trả lời yêu cầu bình luận của Reuters về báo cáo trên.

 

logo
Tất cả thông tin trên trang web của chúng tôi mang tính chất tham khảo tổng hợp, nhà đầu tư cần cân nhắc và tự chịu trách nhiệm về mọi hành vi đầu tư của mình. Info Finance không chịu trách nhiệm về bất kỳ hành động nào của nhà đầu tư.
Chúng tôi hân hạnh hợp tác cùng
Hình ảnhHình ảnhHình ảnh

Social Media:

icon
icon
icon
icon
icon

LIÊN HỆ VỚI CHÚNG TÔI

Hỗ trợ giải đáp/Tư vấn cho trader:

CS@infofx.vn

Hotline/Zalo/Telegram:

0904 096 829 / 093 1085 659