Share
Trang chủ
Tin tức
Doanh thu giảm, chi phí tăng: Twitter đang đối mặt với gì?
Doanh thu giảm, chi phí tăng: Twitter đang đối mặt với gì?
29 tháng 8 2024・ 05:03
Công ty mạng xã hội đang tìm cách cắt giảm chi phí khi nhiều nhà quảng cáo tạm dừng chi tiêu và các khoản thanh toán nợ tiến gần đến trước mặt.
Elon Musk cho biết thương vụ tiếp quản Twitter trị giá 44 tỷ USD của ông có thể dẫn đến việc nộp đơn phá sản. Nhưng có thể có các lựa chọn khác.
Để không rơi vào ngõ cụt, Musk đã cố gắng tăng thêm doanh thu từ dịch vụ đăng ký và trấn an các nhà quảng cáo về tương lai của nền tảng. Twitter vốn đã thua lỗ trước khi Musk mua lại công ty, và thương vụ tiếp quản của ông đã tạo thêm gánh nặng nợ nần đòi hỏi phải có các nguồn tiền mặt mới.
Thật khó để xác định tình trạng của công ty. Twitter không còn phải trình các báo cáo tài chính thường xuyên cho Ủy ban Chứng khoán và Giao dịch (SEC), Những báo cáo này là các công cụ quan trọng để xác định tình trạng tài chính của một công ty.
Các nhà phân tích và học giả đã có thể ghép lại một bức tranh về Twitter từ thông tin mà Musk đưa ra cũng như chi tiết của thương vụ tiếp quản và hồ sơ pháp lý cuối cùng của công ty. Phá sản là một kết quả có thể xảy ra. Musk, người giàu nhất thế giới, cũng có thể huy động thêm các nguồn vốn mới hoặc mua lại nợ từ những người cho vay, tạo ra cho Twitter một bước đệm để xoay chuyển tình hình kinh doanh của mình.
Dưới đây là một vài đánh giá của các nhà phân tích và học giả về tình hình tài chính và triển vọng của Twitter.
Tình hình tài chính của Twitter trước Musk
Twitter đã và đang là một công cụ phổ biến cho các chính trị gia, người nổi tiếng và nhà báo. Nhưng với tư cách là một doanh nghiệp, họ đã rơi vào đình trệ.
Công ty đã không ghi nhận lợi nhuận hàng năm kể từ năm 2019 và đã báo lỗ trong tám năm của thập kỷ qua. Khoản lỗ ròng của công ty đã thu hẹp trong năm 2021, giảm xuống còn 221,4 triệu USD từ mức 1,14 tỷ USD trong năm 2020.
Twitter đã phải vật lộn để thu hút người dùng mới và tăng doanh thu, tạo ra khoảng 5,1 tỷ USD vào năm ngoái. Trong hồ sơ tài chính hàng quý cuối cùng Twitter nộp với tư cách là một công ty đại chúng (cho giai đoạn ba tháng kết thúc vào ngày 30 tháng 6), doanh thu đã đạt 1,18 tỷ USD, giảm nhẹ so với cùng kỳ năm ngoái.
Gần 90% doanh thu của Twitter trong năm ngoái đến từ quảng cáo. Và quảng cáo cũng là nguồn doanh thu chính của công ty theo truyền thống. Trong năm 2021, Twitter đã thu về 4,51 tỷ USD từ các nhà quảng cáo và 572 triệu USD từ việc cấp phép dữ liệu và các dịch vụ khác.
Công ty đã có hơn 2 tỷ USD tiền mặt và ít hơn 600 triệu USD nợ ròng trước các cuộc đàm phán tiếp quản với Musk – rất ít nợ đối với một công ty thuộc chỉ số S&P 500. Nhưng lượng tiền mặt đó cũng đã giảm 35% so với một năm về trước tính đến ngày 30 tháng 6, hồ sơ cho thấy. Và Musk đã mua lại Twitter bằng cách khiến công ty gánh thêm khoản nợ 13 tỷ USD. Ông đã trả phần còn lại bằng vốn chủ sở hữu, một số do nhiều nhà đầu tư đóng góp.
Dữ liệu của S&P cho thấy Twitter đã có giá trị vốn hóa thị trường 37,48 tỷ USD vào tháng 3, trước khi Musk đặt bút đồng ý mua lại công ty. Cổ phiếu của mạng xã hội đã giảm mạnh kể từ đó. Nhưng giờ đây, theo Jeffrey Davies, một cựu chuyên viên phân tích tín dụng và người sáng lập của nhà cung cấp dữ liệu Enersection LLC, “công ty có lẽ không đáng giá bằng núi nợ, thẳng thắn mà nói, trừ khi bạn đặt nhiều giá trị vào riêng cá nhân Elon”. Tháng trước, Musk thừa nhận ông và các nhà đầu tư đã trả quá nhiều tiền cho công ty trong ngắn hạn.
Doanh thu dưới thời Musk
Đầu tháng này, Musk cho biết Twitter đã ghi nhận “một mức sụt giảm doanh thu khổng lồ” và lỗ 4 triệu USD mỗi ngày. Không rõ liệu sụt giảm đó phản ánh một sự suy yếu lớn hơn trong thị trường quảng cáo kỹ thuật số hay việc một số công ty tạm dừng quảng cáo kể từ sau khi Musk tiếp quản.
Một số công ty, chẳng hạn như chuỗi cửa hàng burrito Chipotle Mexican Grill, nhà sản xuất ngũ cốc General Mills và hãng hàng không United Airlines Holdings, đã tạm dừng chi tiêu quảng cáo trên Twitter do không chắc chắn mạng xã hội này sẽ đi về đâu. Theo báo cáo của The Wall Street Journal, sự ra đi của một số giám đốc điều hành hàng đầu trong bộ phận quảng cáo của công ty đã khiến các mối quan hệ trở nên tồi tệ hơn.
Động thái di cư của các nhà quảng cáo là mối đe dọa cho một công ty phụ thuộc vào dòng doanh thu đó. Aswath Damodaran, giáo sư tài chính tại Trường Kinh doanh Stern của Đại học New York, cho biết: “Là một công ty quảng cáo trực tuyến, bạn đang tiệm cận với thảm họa.”
Các đàm phán thỏa thuận cho các hợp đồng quảng cáo dài hạn thường bắt đầu vào cuối năm vẫn chưa diễn ra hoặc đã bị hoãn lại. Các thỏa thuận đó chiếm hơn 30% doanh thu quảng cáo của Twitter tại Mỹ, The Wall Street Journal đưa tin.
Doanh thu có thể vẫn sẽ chịu áp lực cho đến khi các nhà quảng cáo nắm bắt được hoàn toàn mô hình kinh doanh mới, có khả năng khiến nhiều người trong số họ quay trở lại nền tảng, Brent Thill, chuyên gia phân tích cấp cao của Jefferies Group LLC, một công ty dịch vụ tài chính, cho biết. Thill nói: “Những nhà quảng cáo đó sẽ quay lại nếu họ cảm thấy người dùng đang ở đó và có khả năng kiếm tiền từ quảng cáo của họ”.
Nhưng điều đó có thể mất thời gian. Theo Thill, có thể mất nhiều tháng để các nhà quảng cáo có được bức tranh rõ ràng. “Đó là một bí ẩn”, ông nói.
Công ty nghiên cứu thị trường Insider Intelligence gần đây đã cắt giảm triển vọng doanh thu quảng cáo hàng năm cho Twitter gần 40% cho đến năm 2024.
Musk muốn công ty dựa nhiều hơn vào dịch vụ đăng ký trả phí và ít phụ thuộc hơn vào quảng cáo kỹ thuật số. Hôm thứ Ba tuần trước, ông cho biết dịch vụ đăng ký được nâng cấp của công ty, có giá 7,99 USD/tháng, sẽ ra mắt vào ngày 29 tháng 11.
Cắt giảm chi phí
Công ty đã nhanh chóng cắt giảm chi phí, bao gồm cắt giảm một nửa quy mô nhân sự. Tiền lương và các khoản bồi thường khác chiếm một phần lớn chi phí tổng thể của Twitter. Các hồ sơ cho thấy công ty có 7.500 nhân viên toàn thời gian vào cuối năm 2021, tăng từ mức 5.500 người một năm trước đó.
Việc sa thải khoảng 3.700 người có thể tiết kiệm cho công ty khoảng 860 triệu USD mỗi năm, nếu những nhân viên sắp nghỉ việc kiếm được trung bình khoảng 233.000 USD mỗi năm – con số chi trả trung bình được công ty tiết lộ gần đây nhất. Khoản tiết kiệm ước tính sẽ chiếm khoảng 15% trong số 5,57 tỷ USD chi phí và chi tiêu của Twitter vào năm ngoái. Chi phí và chi tiêu của công ty đã tăng 51% so với năm trước do việc tuyển dụng đã làm tăng quy mô biên chế.
Nhiều nhân viên đã rời công ty vào tuần trước, từ chối yêu cầu của Musk rằng họ phải cam kết làm việc “nhiều giờ với cường độ cao” để ở lại.
Núi nợ
Trước khi Musk tiếp quản, tổng số nợ ròng của Twitter là 596,5 triệu USD vào ngày 30 tháng 6, theo tổ chức cung cấp dữ liệu S&P Global Market Intelligence. Một năm về trước, nợ ròng đã ở mức âm 2,18 tỷ USD, tức là công ty đã có thặng dư tiền mặt.
Twitter đã trả 23,3 triệu USD chi phí lãi vay trong quý kết thúc vào ngày 30 tháng 6, theo một hồ sơ tài chính.
Giờ đây, công ty sẽ phải trả ít nhất 9 tỷ USD tiền lãi cho các ngân hàng và quỹ đầu cơ trong vòng 7 đến 8 năm tới, khi khoản nợ 13 tỷ USD đáo hạn, theo đánh giá về các khoản vay của Twitter từ Davies, người từng là chuyên viên phân tích tín dụng.
Theo Davies, các khoản thanh toán lãi suất này là rất đáng kể đối với một công ty đã báo cáo tổng dòng tiền hoạt động chỉ 6,3 tỷ USD trong 8 năm qua.
Hơn nữa, núi nợ của công ty hiện cũng bao gồm các khoản nợ lãi suất thả nổi, có nghĩa là chi phí lãi vay sẽ tăng lên khi Cục Dự trữ Liên bang tiếp tục tăng lãi suất. Toàn bộ số nợ của Twitter trước khi Musk tiếp quản công ty là các khoản nợ lãi suất cố định.
Xếp hạng tín dụng của Twitter – vốn đã thấp hơn mức Đầu tư từ trước thương vụ với Musk – đã trở nên xấu hơn nữa. Vào ngày 31 tháng 10, công ty xếp hạng tín dụng Moody’s đã hạ bậc xếp hạng dành cho Twitter từ Ba2 xuống B1, giảm hai bậc. Và vào ngày 1 tháng 11, công ty S&P Global Ratings cũng hạ bậc xếp hạng dành cho công ty từ BB+ xuống B-, giảm năm bậc.
Triển vọng tài chính
Những thách thức tài chính của Twitter có thể dẫn đến việc công ty phải nộp đơn xin phá sản, tăng vốn chủ sở hữu hoặc mua lại một số khoản nợ từ những người cho vay, các nhà phân tích và học giả cho biết.
Nếu Twitter nộp đơn xin phá sản, như Musk đã cảnh báo là một trường hợp có thể xảy ra trong một cuộc họp toàn công ty vào đầu tháng này, khoản đầu tư 27 tỷ USD của ông có thể sẽ bị xóa sổ hoàn toàn vì chủ sở hữu vốn cổ phần là người cuối cùng được thanh toán khi một công ty tái cấu trúc.
Davies cho biết việc mua lại nợ từ các bên cho vay với mức chiết khấu cao sẽ giúp công ty giảm tải nợ và chi phí lãi vay cũng như định giá.
Davies nói: “Tôi không nghĩ rằng họ có thể phát hành thêm khoản nợ nào nữa. Công ty đang có một cấu trúc thực sự, thực sự khó khăn”.
Theo David Kass, giáo sư tài chính tại Trường Kinh doanh Robert H. Smith của Đại học Maryland, công ty cũng có thể thay thế một số khoản nợ bằng vốn chủ sở hữu, cả từ Musk và từ các nhà đầu tư bên ngoài. Để làm như vậy, Musk sẽ cần phải thuyết phục các nhà đầu tư tiềm năng rằng ông có một kế hoạch kinh doanh dài hạn khả thi, Kass nói. Thay thế nợ có thể cho phép công ty tạo ra tiền mặt. Musk cho biết một số động thái bán cổ phiếu Tesla mới nhất của ông – thu về gần 4 tỷ USD tiền mặt – là vì Twitter.
Nếu thành công, Twitter có thể tạo ra dòng tiền tự do dương trong hai hoặc ba năm tới. Họ có thể sử dụng dòng tiền này để trả khoản nợ còn lại và cuối cùng là niêm yết trở lại trên thị trường đại chúng, Kass nói. “Triển vọng về một đợt IPO một ngày nào đó trong vòng 3-5 năm tới sẽ là một cám dỗ rất hấp dẫn đối với các quỹ lớn.”
Huân Hà - Theo wsj.com
Tin liên quan
26 tháng 12 2024
Cơ quan điều tra tìm những người bị TikToker Mr. Pips lừa đảo
06 tháng 12 2024
CHIA SẺ TỪ NHÀ ĐẦU TƯ: RỦI RO KHI GIAO DỊCH TẠI SÀN TRADE4YOU
14 tháng 11 2024
Cảnh báo: Cân nhắc trước khi đầu tư vào Sàn giao dịch HFM
12 tháng 11 2024
Bùng Nổ Khuyến Mãi Tháng 11 từ MH Markets: Tiền Thưởng Giao Dịch, Hoàn Tiền Cực Hấp Dẫn và Quà Tặng Công Nghệ Đỉnh Cao!
07 tháng 11 2024
MH Markets: Lựa Chọn Uy Tín cho Nhà Đầu Tư Ngoại Hối và Vàng
01 tháng 11 2024