logo
Share

Trang chủ

Tin tức

Kinh tế thế giới ngày 11/1/2023

Kinh tế thế giới ngày 11/1/2023

11 tháng 1 2023・ 03:19

G7 muốn áp dụng 2 mức giá trần cho các sản phẩm dầu mỏ của Nga kể từ tháng 2 tới, một cho các sản phẩm được giao dịch ở mức cao và một cho những sản phẩm được giảm giá.
G7 lên kế hoạch thiết lập các mức giá trần khác nhau với dầu mỏ Nga

8.1.jfif

Trước đó, hãng Bloomberg đưa tin dầu mỏ của Nga được bán với giá chỉ bằng một nửa giá hiện nay trên thị trường thế giới và rẻ hơn nhiều so với mức giá trần 60 USD/thùng do các nước G7 công bố. Vào ngày 6/1 vừa qua, giá dầu thô Urals tại cảng Primorsk được giao dịch ở mức 37,8 USD/thùng, trong khi giá dầu Brent chuẩn thế giới là 78,57 USD/thùng.
Bộ Năng lượng Nga đang nghiên cứu các biện pháp bổ sung để hạn chế tình trạng giảm giá dầu của Nga so với giá quốc tế, sau khi phương Tây áp đặt giá trần với dầu mỏ nước này. Nga là nước xuất khẩu dầu mỏ lớn thứ hai thế giới sau Saudi Arabia, với doanh thu từ dầu mỏ và khí đốt chiếm gần một nửa nguồn thu ngân sách.
Cuối năm 2022, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã ký sắc lệnh cấm cung cấp dầu thô và các sản phẩm dầu mỏ trong vòng 5 tháng đối với các quốc gia áp đặt giá trần với dầu mỏ nước này. Sắc lệnh còn bao gồm điều khoản cho phép Tổng thống đưa ra các quyết định bất thường về việc cung cấp dầu và các sản phẩm dầu mỏ, cũng như được quyền bãi bỏ lệnh cấm trong những trường hợp đặc biệt. Bộ Năng lượng Nga đã được giao nhiệm vụ giám sát việc thực hiện lệnh cấm. Lệnh cấm có hiệu lực từ ngày 1/2/2023 và kéo dài 5 tháng cho đến ngày 1/7/2023.
Lệnh cấm này là biện pháp đáp trả đối với động thái áp giá trần đối với dầu mỏ xuất khẩu vận chuyển bằng đường biển của Nga (ở mức 60 USD/thùng) do Liên minh châu Âu (EU) cùng G7 và Australia thống nhất, có hiệu lực từ ngày 5/12/2022.

Airbus tiếp tục vượt Boeing về lượng giao hàng năm thứ 4 liên tiếp

8.2.jfif

Tập đoàn sản xuất máy bay Airbus của châu Âu khẳng định vị trí dẫn đầu trong lĩnh vực hàng không dân dụng năm 2022 khi báo cáo công bố ngày 10/1 cho thấy lượng đơn đặt hàng và giao hàng cao hơn so với đối thủ Boeing của Mỹ, trong bối cảnh cả hai doanh nghiệp đều phải đối mặt với những thách thức kéo dài về chuỗi cung ứng.

Trong năm 2022, Airbus đã giao tổng cộng 661 máy bay đến khách hàng, cao hơn nhiều so với lượng máy bay được giao của Boeing (480 chiếc). Đây là năm thứ 4 liên tiếp Airbus vượt Boeing về lượng giao hàng. Về lượng đơn đặt hàng ròng, Airbus giành được 820 đơn trong năm ngoái, hơn Boeing 12 đơn.

Đối với Boeing, dù kết quả kinh doanh kém hơn Airbus, nhưng "gã khổng lồ" ngành hàng không Mỹ ghi nhận tín hiệu tích cực khi lượng giao hàng năm 2022 tăng 40%, mức cao nhất kể từ năm 2018, thời điểm trước khi dòng máy bay 737 MAX bị đình chỉ hoạt động trên toàn cầu và ngành du lịch lao đao do COVID-19. Tuy nhiên, hoạt động của Boeing phần nào bị ảnh hưởng do việc bàn giao 787 Dreamliner, một trong những mẫu chủ lực của tập đoàn, bị ngừng lại trong hơn một năm. Việc giao hàng chỉ được nối lại tháng Tám năm ngoái sau các cuộc đàm phán với các cơ quan quản lý an toàn hàng không của Mỹ.

Ông Stan Deal, người đứng đầu bộ phận thương mại của Boeing, cho biết Boeing đã rất nỗ lực trong năm 2022 để ổn định hoạt động sản xuất máy bay 737, tiếp tục giao hàng máy bay 787, ra mắt máy bay vận tải 777-8 và quan trọng nhất là đáp ứng các cam kết của hãng với khách hàng. Ông cũng cho hay, từ năm nay, Boeing sẽ tập trung vào việc ổn định các hoạt động của mình và chuỗi cung ứng.

Với Airbus, lượng giao hàng trong năm 2022 tăng 8% so với mức năm 2021, nhưng ít hơn mức mục tiêu ban đầu là giao 720 chiếc, do các vấn đề về chuỗi cung ứng. Giám đốc điều hành Airbus, Guillaume Faury, cho biết lượng giao hàng thực tế của hãng ít hơn mục tiêu đề ra do "sự phức tạp của môi trường hoạt động".

WB: Tăng trưởng kinh tế thế giới sẽ chỉ ở mức 1,7% trong năm 2023

Ngân hàng Thế giới (WB) ngày 10/1 đã đưa ra dự báo mới nhất về tăng trưởng kinh tế toàn cầu, theo đó cho rằng GDP thế giới năm 2023 sẽ tăng trưởng 1,7%, thấp hơn nhiều so với mức dự báo 3% mà WB công bố hồi tháng 6/2022.

Trong dự báo mới nhất này, WB cho rằng năm 2023, nhiều nền kinh tế sẽ có mức tăng trường gần bờ vực suy thoái do ảnh hưởng của tình trạng tăng lãi suất - giải pháp mà nhiều nước thực hiện để kiềm chế lạm phát, xung đột giữa Nga và Ukraine tiếp diễn, trong khi các nền kinh tế lớn của thế giới gặp nhiều khó khăn.

WB cho rằng tốc độ tăng trưởng chậm lại hầu hết đều xảy ra ở những nền kinh tế tiên tiến, điển hình kinh tế Mỹ có thể chỉ tăng trưởng 0,5% trong năm 2023. Các quốc gia sử dụng đồng euro có thể đối mặt với suy thoái kinh tế toàn cầu mới trong chưa đầy 3 năm sau đợt suy thoái gần đây nhất.

WB nhận định với điều kiện kinh tế mong manh hiện nay, bất kỳ tác động tiêu cực mới nào gia tăng như lạm phát cao hơn dự kiến cùng chính sách tăng lãi suất đột ngột để ngăn chặn lạm phát, hay sự lây lan trở lại của dịch COVID-19, đều có thể đẩy kinh tế toàn cầu rơi vào suy thoái.

Về các thị trường mới nổi và các nền kinh tế đang phát triển, WB cho rằng năm 2023 sẽ chồng chất khó khăn khi những nước này phải chật vật đối phó với gánh nặng nợ công, đồng nội tệ suy yếu, đầu tư doanh nghiệp giảm...Báo cáo của WB đề cập đến thực tế tăng trưởng của Trung Quốc năm 2022 giảm xuống 2,7%, mức thấp thứ 2 kể từ giữa những năm 70 của thế kỷ trước cho đến năm 2020 - thời điểm Trung Quốc áp đặt các biện pháp phòng dịch COVID-19 nghiêm ngặt. WB dự báo nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới này sẽ phục hồi và tăng trưởng 4,3% trong năm 2023. Tuy nhiên, con số dự báo này vẫn thấp hơn 0,9% so với dự báo hồi tháng 6/2022 do mức độ nghiêm trọng của tình trạng gián đoạn do dịch COVID-19 và nhu cầu ngoài nước suy yếu.

WB lưu ý rằng một số áp lực lạm phát bắt đầu giảm dần khi năm 2022 sắp kết thúc, với giá năng lượng và giá cả hàng hóa thấp hơn, song thể chế tài chính này vẫn cảnh báo rủi ro gián đoạn nguồn cung mới vẫn ở mức cao và lạm phát kéo dài. Theo WB, điều này có thể khiến các ngân hàng trung ương tiếp tục tăng lãi suất cao hơn mức hiện nay, làm trầm trọng thêm tình trạng tăng trưởng chậm của kinh tế thế giới.

Lạm phát ở Đức có thể đã đạt đỉnh

Lạm phát ở Đức đã có thể đã đạt đỉnh khi giá năng lượng toàn cầu giảm. Trả lời phỏng vấn hãng tin Reuters, cố vấn kinh tế của Chính phủ Đức Monika Schnitzer nhận định: “Nếu không có gì bất thường xảy ra, lạm phát Đức có thể thực sự đã đạt đỉnh”.

Bà Monika cho biết lạm phát của nền kinh tế lớn nhất châu Âu đã giảm trong tháng thứ hai liên tiếp trong tháng 12/2022 nhờ giá năng lượng giảm và các biện pháp hỗ trợ hóa đơn năng lượng của chính phủ đối với các hộ gia đình và doanh nghiệp, với dự báo lạm phát trong năm 2022 tăng 9,6%. Trước đó, lạm phát của Đức đã giảm xuống 8,6% trong tháng 12/2022. Mặc dù vẫn ở mức cao, nhưng lạm phát trong tháng cuối năm đánh dấu sự cải thiện đáng kể so với mức 10% trong tháng 11/2022 và 10,4% trong tháng 10/2022, thời điểm lạm phát được ghi nhận cao kỷ lục trong vòng 70 năm.

Với dự báo giá khí đốt tự nhiên sẽ tiếp tục giảm trong năm nay, bà Schnitzer cho rằng Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) chưa cần đưa ra quyết định tăng lãi suất thêm 0,5% tại cuộc họp dự kiến diễn ra vào ngày 2/2 tới. Hơn nữa, trong điều kiện mùa Đông ôn hòa, nền kinh tế triển vọng đã sáng sủa hơn một chút và các chuyên gia kinh tế đã dự báo “khá đúng” khi đưa ra dự báo hồi tháng 11 vừa qua, tăng trưởng của Đức có thể đạt  1,7% trong năm 2022, thậm chí có thể còn cao hơn chút ít.

Theo kế hoạch, Văn phòng thống kê liên bang Đức (Destatis) sẽ công bố tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) trong năm 2022 vào ngày 12/1. Tuy nhiên, các nhà phân tích dự báo GDP của Đức có thể tăng 1,8% trong năm 2022.

Theo Vương Linh tổng hợp

logo
Tất cả thông tin trên trang web của chúng tôi mang tính chất tham khảo tổng hợp, nhà đầu tư cần cân nhắc và tự chịu trách nhiệm về mọi hành vi đầu tư của mình. Info Finance không chịu trách nhiệm về bất kỳ hành động nào của nhà đầu tư.
Chúng tôi hân hạnh hợp tác cùng
Hình ảnhHình ảnhHình ảnh

Social Media:

icon
icon
icon
icon
icon

LIÊN HỆ VỚI CHÚNG TÔI

Hỗ trợ giải đáp/Tư vấn cho trader:

CS@infofx.vn

Hotline/Zalo/Telegram:

0904 096 829 / 093 1085 659