logo
Share

Trang chủ

Tin tức

Kinh tế thế giới ngày 18/1/2023

Kinh tế thế giới ngày 18/1/2023

18 tháng 1 2023・ 06:50

Ngày 17/1, sàn giao dịch tiền điện tử FTX thông báo đã bị mất số tiền điện tử trị giá khoảng 415 triệu USD do tấn công mạng.

4.1.jfif

Sàn giao dịch tiền điện tử FTX bị mất hàng trăm triệu USD do tấn công mạng

Giám đốc điều hành (CEO) FTX John Ray nêu rõ khoảng 323 triệu USD đã bị đánh cắp từ sàn giao dịch quốc tế FTX và 90 triệu USD đã bị đánh cắp từ sàn giao dịch Mỹ do tấn công mạng, kể từ khi FTX tuyên bố phá sản vào ngày 11/11/2022. Ông cũng khẳng định FTX đang đạt được tiến triển trong nỗ lực thu hồi tài tài sản.
Tuần trước, FTX thông báo với thẩm phán tại Delaware đã thu hồi được số tiền điện tử, tiền mặt và chứng khoán lưu động trị giá 5 tỷ USD. Dựa theo giá tiền điện tử ngày 11/11/2022, số tài sản tiền điện tử bao gồm 685 triệu USD tiền Solana, 529 triệu USD FTT token và 268 triệu USD tiền bitcoin.
FTX không nêu chi tiết tổng số nợ, nhưng đã phát hiện thiếu hụt tài sản tại sàn giao dịch Mỹ lẫn quốc tế. Điều tra ban đầu cho thấy vào tháng 11/2022, Sở Chứng khoán Bahamas đã tịch thu tài sản của FTX, kéo theo tranh chấp giữa sàn giao dịch này với nhà chức trách sở tại. Hai bên sau đó đã giải quyết được bất đồng vào tháng này. Trong tuyên bố mới nhất, CEO Ray xác nhận Chính phủ Bahamas đang nắm giữ số tiền trị giá 426 triệu USD của các nhà đầu tư. 

Đức: Lạm phát năm 2022 cao kỷ lục

Theo số liệu chính thức của Văn phòng Thống kê Liên bang (Destatis) công bố ngày 17/1, lạm phát trong năm 2022 của Đức là 7,9%, mức cao nhất từng có trong lịch sử hậu chiến.

Tuy nhiên, tỷ lệ lạm phát đã giảm rõ rệt trong tháng 12/2022, xuống còn 8,6%, sau 3 tháng liên tiếp duy trì ở mức trên 10%, trong đó tháng 10/2022 là mức cao nhất, tăng 10,4% so với cùng tháng năm 2021.

Lạm phát đã tăng từ trước thời điểm xảy ra xung đột tại Ukraine, với tháng 1/2022, ghi nhận là 4,9% và tháng 2 là 5,1%, đến tháng 3, một tháng sau thời điểm Nga bắt đầu triển khai chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine, lạm phát tăng vọt lên 7% và tăng “phi mã” lên 10,4% vào tháng 10/2022 trước khi giảm nhẹ vào cuối năm.

Giới phân tích hy vọng rằng áp lực lạm phát tại Đức sẽ giảm bớt trong năm 2023. Bộ trưởng Kinh tế Đức Robert Habeck, phát biểu với tờ “Die Welt” bên lề Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) diễn ra ở Davos (Thụy Sỹ), cho biết dự đoán tỷ lệ này có thể giảm xuống 5% vào cuối năm 2023. Tuy nhiên, ông cảnh báo con số lạm phát của cả năm rất có thể sẽ cao hơn.

4.2.jfif

Lạm phát tại Italy tăng kỷ lục trong năm 2022

Cơ quan thống kê quốc gia Italy (ISTAT) ngày 17/1 cho biết lạm phát ở nước này trong năm 2022 đã tăng kỷ lục. 

Tính chung trong cả năm 2022, lạm phát tại Italy tăng trung bình 8,1% so với năm 2021 - mức cao nhất ở nước này kể từ khi đồng tiền chung châu Âu (đồng euro) ra đời vào năm 1999. Trong năm 2021, lạm phát của nước này chỉ tăng 1,9%.
Giá cả tăng thậm chí còn tăng mạnh hơn trong tháng 12/2022 với mức tăng 11,6% so với tháng 12/2021 và hai tháng trước đó ghi nhận mức tăng 11,8% so với cùng kỳ năm ngoái. 
Theo ISTAT, nguyên nhân chính là do chi phí năng lượng tăng cao hơn bắt nguồn từ cuộc xung đột ở Ukraine.
Mặc dù chi phí năng lượng leo thang đã tác động trên toàn Liên minh châu Âu (EU) và nhiều khu vực khác, song vấn đề này đặc biệt nghiêm trọng ở Italy bởi nước này phụ thuộc nhiều vào khí đốt tự nhiên nhập khẩu từ Nga. 
Confesercenti ước tính ngay cả khi giá năng lượng ổn định, lạm phát ở nước này trong năm 2023 sẽ cao hơn tới 150% so với năm 2009. Confesercenti kêu gọi chính phủ hỗ trợ lâu dài cho các gia đình nghèo và các công ty hoạt động trong các lĩnh vực kinh tế sử dụng nhiều năng lượng.

OPEC giữ nguyên dự báo tăng trưởng nhu cầu dầu mỏ toàn cầu năm 2023

Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) đã giữ nguyên dự báo tăng trưởng nhu cầu dầu mỏ toàn cầu trong năm 2023, cho dù triển vọng kinh tế đang dần cải thiện của nước nhập khẩu dầu thô hàng đầu thế giới là Trung Quốc.
Trong báo cáo hằng tháng về thị trường dầu mỏ công bố ngày 17/1, OPEC vẫn dự báo nhu cầu dầu thô của thế giới sẽ tăng 2,2 triệu thùng/ngày trong năm 2023, thấp hơn so với ước tăng 2,5 triệu thùng/ngày của năm 2022. OPEC nêu rõ: "Mức dự báo này vẫn bị chi phối bởi các yếu tố, bao gồm triển vọng không chắc chắn của nền kinh tế toàn cầu, sự thay đổi trong các chính sách ngăn chặn đại dịch COVID-19 và những căng thẳng địa chính trị".

Cũng trong ngày 17/1, Tổng Thư ký OPEC - ông Haitham Al Ghais cho biết tổ chức này rất lạc quan về nhu cầu của Trung Quốc - nền kinh tế có thể thúc đẩy nhu cầu dầu thế giới tăng thêm 500.000 thùng/ngày trong năm nay. Tại cuộc họp vào tháng 12/2022, OPEC cùng các nước đối tác, còn gọi là OPEC+, đã quyết định giữ nguyên mức cắt giảm sản lượng dầu 2 triệu thùng/ngày, trong bối cảnh thị trường đối mặt với triển vọng không chắc chắn liên quan các lệnh trừng phạt của phương Tây đối với dầu thô của Nga.

Theo dự báo của hãng tư vấn năng lượng Energy Aspects (Pháp), nhập khẩu dầu thô của Trung Quốc trong năm 2023 sẽ tăng 1,1 triệu thùng/ngày so với năm ngoái. Energy Aspects dự báo giá dầu Brent sẽ đạt mức trung bình 100 USD/thùng trong năm nay, đồng thời nâng mức dự báo nhu cầu dầu thô của Trung Quốc trong quý II/2023 thêm 500.000 thùng/ngày. Tháng trước, Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) đã nâng mức dự báo tăng trưởng nhu cầu dầu toàn cầu năm 2023, do tiêu thụ dầu mỏ gia tăng tại Ấn Độ, Trung Quốc và khu vực Trung Đông./.

Theo Vương Linh tổng hợp

logo
Tất cả thông tin trên trang web của chúng tôi mang tính chất tham khảo tổng hợp, nhà đầu tư cần cân nhắc và tự chịu trách nhiệm về mọi hành vi đầu tư của mình. Info Finance không chịu trách nhiệm về bất kỳ hành động nào của nhà đầu tư.
Chúng tôi hân hạnh hợp tác cùng
Hình ảnhHình ảnhHình ảnh

Social Media:

icon
icon
icon
icon
icon

LIÊN HỆ VỚI CHÚNG TÔI

Hỗ trợ giải đáp/Tư vấn cho trader:

CS@infofx.vn

Hotline/Zalo/Telegram:

0904 096 829 / 093 1085 659