logo
Share

Trang chủ

Tin tức

TTCK Mỹ giảm nhẹ khi mọi sự tập trung đổ dồn vào Fed

TTCK Mỹ giảm nhẹ khi mọi sự tập trung đổ dồn vào Fed

01 tháng 11 2022・ 08:33

Các quan chức ngân hàng trung ương Hoa Kỳ dự kiến ​​sẽ tăng lãi suất thêm 0,75% vào ngày thứ Tư.

[Chỉ số] 20221101-TheBrokers-The Wall Street Journal-Dang Khoa (sp500 dow jones) pic 1.jpg

Thị trường chứng khoán Mỹ giảm nhẹ khi Cục Dự trữ Liên bang chuẩn bị thảo luận về vấn đề tăng lãi suất trong tuần này nhằm nỗ lực hạ nhiệt lạm phát.

Mặc dù nhuốm sắc đỏ vào hôm thứ Hai, các chỉ số chính vẫn giữ được thành quả tăng trong tháng 10 trong lúc giới đầu tư đánh giá liệu đây có phải là thời điểm kết thúc các động thái tăng lãi suất cứng rắn nhất của Fed hay không. Chỉ số Bình quân Công nghiệp Dow Jones tăng 14% trong một tháng tốt nhất kể từ năm 1976. Chỉ số S&P 500 và Nasdaq Composite đều tăng một chữ số trên quy mô hàng tháng.

Việc Fed tăng lãi suất quá nhanh đã làm ảnh hưởng đến thị trường trong phần lớn thời gian của năm nay, khiến một số nhà đầu tư mải miết tìm kiếm dấu hiệu, dù là mờ nhạt nhất, cho thấy đã đến lúc rót tiền vào thị trường trở lại.

Vào tháng 10, giới đầu tư đã có được một phen phấn khích khi một số quan chức Fed cho biết họ đang cân nhắc liệu có nên giảm tốc độ thắt chặt tiền tệ để cân bằng giữa việc kiểm soát lạm phát và tránh làm suy giảm hoạt động kinh tế hay không. Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) cũng bày tỏ lo ngại rằng nếu tăng lãi suất thêm thì có thể làm ảnh hưởng đến triển vọng tăng trưởng.

Thị trường chứng khoán đã phục hồi trong tháng 10 bất chấp giá trái phiếu chính phủ giảm và lợi suất trái phiếu tăng, trong khi diễn biến này đã làm sụt giảm giá trị của các cổ phiếu trong phần lớn quãng thời gian của năm nay. Đà dâng cao vào hôm thứ Hai đã ấn định mức tăng của lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ kỳ hạn 10 năm từ mức 3,802% vào cuối tháng 9 lên mức 4,074%. Lợi suất và giá trái phiếu chuyển động nghịch đảo với nhau.

Chris Senyek, chuyên gia chiến lược đầu tư tại Wolfe Research, cho biết xu hướng đó cho thấy một số nhà đầu tư đã đặt kỳ vọng cao khi kéo thị trường chứng khoán đi lên vào tháng 10. “Tôi nghĩ phần lớn đó là do các nhà đầu tư hy vọng nhiều vào thị trường,” anh nói. “Tôi không nghĩ rằng nhịp tăng này được phát triển dựa trên các yếu tố cơ bản.”

Trong tuần này, giới đầu đang đảo vốn giữa các kênh tài sản trước ngày thứ Tư, khi các quan chức Fed gần như chắc chắn sẽ tăng lãi suất thêm 0,75%. Vào ngày thứ Hai, chỉ số S&P giảm 29,08 điểm, tương đương 0,7%, xuống còn 3.871,98 điểm và chỉ số công nghệ Nasdaq Composite giảm 114,31 điểm, tương đương 1%, xuống mức 10.988,15 điểm. Chỉ số Dow Jones giảm 128,85 điểm, tương đương 0,4%, xuống còn 32.732,95 điểm.

Tiêu điểm chú ý của thị trường sẽ là cuộc họp báo của Chủ tịch Fed Jerome Powell, một cuộc họp có thể mang lại manh mối về việc liệu Fed có thể giảm quy mô của các đợt tăng lãi suất trong tương lai hay sẽ tiếp tục nỗ lực mạnh mẽ để kiềm chế đà tăng giá.

Cụ thể, các nhà đầu tư muốn biết liệu trong tháng 12, Fed có khả năng tăng lãi suất thêm 0,75% hay không, hay liệu Fed sẽ hạ xuống mức 0,50%. Theo CME Group, diễn biến thị trường tương lai cho thấy rằng giới trader đặt cược đều cho cả hai kịch bản này.

“Tôi dự đoán ông Powell sẽ không thay đổi giọng điệu quá nhiều bằng cách nêu ra một số dữ liệu tích cực mà không khiến cho thị trường coi đó là một động thái xoay trục toàn diện,” Luke Tilley, nhà kinh tế trưởng tại Wilmington Trust, chia sẻ về kỳ vọng của ông đối với vị Chủ tịch Fed vào hôm thứ Tư.

Bất kể Fed nâng lãi suất bao nhiêu vào tháng 12, các nhà kinh tế cảnh báo rằng tình trạng lạm phát cao, hiện vẫn ở mức 8,2% vào tháng 9 so với cùng kỳ năm ngoái, sẽ khiến Fed buộc phải tiếp tục áp dụng chính sách thắt chặt để đưa lãi suất lên cao trong năm tới. Cuối tuần qua, các nhà kinh tế tại Goldman Sachs đã nâng mức ước tính của họ về mức lãi suất mục tiêu cao nhất của Fed. Ngân hàng này hiện dự kiến ​​mục tiêu của Fed sẽ tăng từ phạm vi hiện tại là 3% đến 3,25% lên phạm vi từ 4,75% đến 5% trong năm tới. 

Các nhà đầu tư cũng đang ngấu nghiến kết quả báo cáo tài chính quý 3, sau khi mùa báo cáo kỳ này đã giúp thúc đẩy giá cổ phiếu của một số công ty, nhất là những doanh nghiệp đã chứng tỏ được khả năng vượt khó trong một nền kinh tế đầy biến động như hiện tại. Mặt khác, một số công ty công nghệ lớn như Microsoft đã chứng kiến ​​tình trạng bán tháo sau khi công bố kết quả mờ nhạt. Tuần này, gần một phần ba trong số các công ty thuộc S&P 500 đã công bố số liệu kinh doanh mới nhất.

Cổ phiếu công nghệ đã tiếp tay kéo các chỉ số chứng khoán đi xuống vào ngày thứ Hai. Meta Platforms, công ty mẹ của Facebook, lại tiếp tục giảm thêm 6,04 USD, tương đương 6,1%, xuống còn 93,16 USD, kéo dài đà trượt dốc từ hồi tuần trước sau một kỳ báo cáo đáng thất vọng. Cổ phiếu Apple giảm 2,40 USD, tương đương 1,5%, xuống còn 153,34 USD khi Foxconn, một công ty đóng góp quan trọng trong dây chuyền sản xuất iPhone của Apple, đang phải vật lộn với đợt bùng phát Covid-19 tại một nhà máy ở Trung Quốc.

Trước rủi ro sẽ có nhiều đợt tăng lãi suất trong thời gian sắp tới, nhịp tăng của thị trường chứng khoán vào tháng 10 cũng không giúp giải tỏa hoàn toàn nỗi lo chung của giới đầu tư hiện nay, theo Paul Eitelman, giám đốc chiến lược đầu tư khu vực Bắc Mỹ tại Russell Investments. Russell đã tránh mua bắt đáy khi thị trường chứng khoán lao dốc trong năm nay, vì quỹ đầu tư này đã rất thận trọng cho rằng suy thoái kinh tế có thể gây ra thiệt hại nặng nề hơn nữa.

“Tôi nghĩ rằng trong những tháng tới vẫn còn những vấn đề quan trọng mà chúng ta cần phải vượt qua với tư cách là những nhà đầu tư chứng khoán toàn cầu,” ông Eitelman nói. “Cho đến khi thị trường lao động giảm tốc lại, chính sách tiền tệ của nước Mỹ từ đây trở đi sẽ là một lực cản lớn cho thị trường.”

Giá lúa mì Chicago giao sau tăng 6,4% lên 8,82 USD/giạ sau khi Nga cho biết nước này sẽ tạm ngừng tham gia xuất khẩu nông sản từ các cảng của Ukraina. Nếu các lô hàng ngũ cốc của Ukraina bị tạm dừng, quyết định đình chỉ đó có thể sẽ làm tăng giá lúa mì, ngô và các sản phẩm lương thực quan trọng khác trên toàn cầu. Ngô tăng 1,6% lên 6,20 USD/giạ.

Trên thị trường năng lượng, dầu thô Brent tiêu chuẩn quốc tế giảm 94 cent/thùng, tương đương 1%, xuống còn 94,83 USD. Nhìn chung, dầu đã tăng 7,8% trong tháng 10, tương ứng với tháng tăng giá đầu tiên kể từ tháng 5.

Ở các thị trường khác, chỉ số Stoxx Europe 600 toàn châu Âu đã tăng khoảng 0,3% vào ngày thứ Hai, góp phần vào kết quả tăng 6,3% trong tháng 10.

Tại châu Á, các chỉ số chính đóng cửa với diễn biến trái chiều. Chỉ số Nikkei 225 của Nhật Bản tăng 1,8% và chỉ số Kospi của Hàn Quốc tăng 1,1%. Trong khi đó, chỉ số Hang Seng của Hồng Kông giảm 1,2% và chỉ số Shanghai Composite của Trung Quốc giảm 0,8%.

Theo WSJ

logo
Tất cả thông tin trên trang web của chúng tôi mang tính chất tham khảo tổng hợp, nhà đầu tư cần cân nhắc và tự chịu trách nhiệm về mọi hành vi đầu tư của mình. Info Finance không chịu trách nhiệm về bất kỳ hành động nào của nhà đầu tư.
Chúng tôi hân hạnh hợp tác cùng
Hình ảnhHình ảnhHình ảnh

Social Media:

icon
icon
icon
icon
icon

LIÊN HỆ VỚI CHÚNG TÔI

Hỗ trợ giải đáp/Tư vấn cho trader:

CS@infofx.vn

Hotline/Zalo/Telegram:

0904 096 829 / 093 1085 659